"NIỆM PHẬT CẦU VÃNG SANH TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC, ĐÂY LÀ CON ĐƯỜNG THẲNG TẮT, VỀ NHÀ RẤT AN ỔN". •
Tịnh Độ của Phật A Di Đà, chư Phật trong mười phương đều cùng nhau khen ngợi. Các Tổ sư bao đời khác miệng chung lời, nói rằng: "Đây là con đường thẳng tắt về nhà rất an ổn". Không luận Tăng-tục, sang-hèn, nam-nữ, chỉ cần dốc hết tâm sức niệm Phật, thì nhất định được vãng sinh; vừa thấy Phật Di Đà liền vĩnh viễn bước lên hàng Bất thối chuyển, luôn luôn được nghe pháp, mỗi niệm mỗi niệm tiến đến Phật quả. Công đức lợi ích ấy thật chẳng thể nghĩ bàn! - Song, những người tham Thiền gần đây không rõ ý chỉ, thường chấp Di Đà là tự tánh, Tịnh Độ ở nơi tâm, không tin pháp môn Tịnh Độ, thậm chí còn "truyền rộng tà thuyết này hủy hoại lòng tin của mọi người". Những kẻ ấy không chỉ tự mình sai lầm mà còn làm cho người khác sai lầm theo. - Thế nên đương thời, Thiền sư Diên Thọ ở chùa Vĩnh Minh, từng răn dạy sâu sắc những người không chứng ngộ chớ nên xem thường Tịnh Độ. Ngài còn làm Tứ Liệu Giản, bảo rằng: 1- Có Thiền, không Tịnh Độ Mười người, chín lạc lối Lúc Ấm cảnh hiện ra Liền theo đó mà đi. Nghĩa là người chỉ thấu rõ lý Tánh, không phát nguyện vãng sinh. Ở lâu dài nơi Ta bà, thì có nỗi lo về Ấm cảnh, như năm mươi loại Ấm ma trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, chính là nói điều này. 2- Không Thiền, có Tịnh Độ Muôn tu, muôn vãng sinh Chỉ được thấy Di Đà Lo gì chẳng khai ngộ. Nghĩa là người tuy chưa thấu rõ lý tánh, chỉ cần một lòng niệm Phật và phát nguyện vãng sinh, khi đã gặp Phật A Di Đà thì tự nhiên khai ngộ. 3- Có Thiền, có Tịnh Độ Như cọp mọc thêm sừng Đời nay làm thầy người Đời sau làm Phật Tổ. Nghĩa là thấu rõ lý tánh lại tu Tịnh nghiệp, đây chính là nhân quả thù thắng vi diệu, lợi mình–lợi người đời đời kiếp kiếp. 4- Không Thiền, không Tịnh Độ Giường sắt với cột đồng Trải muôn kiếp ngàn đời Chẳng một ai nương tựa. Nghĩa là đã không thấu rõ lý tánh, lại chẳng nguyện vãng sinh, mãi đắm chìm trong biển khổ, biết ngày nào ra khỏi. Thiền sư Diên Thọ hết lời khuyên răn dạy bảo tới lui như thế, có thể thấy rằng: "Phật không thể không niệm, Tịnh Độ không thể không vãng sinh". Điều đó quá rõ ràng. Lẽ nào lại chấp suông vào sự hiểu biết cuồng dại, rồi tự để lại lo lắng cho mình về sau? Trong đại chúng tương đối cũng có người tin tưởng hướng về, nhưng chẳng qua chỉ thả trôi qua ngày, miệng tuy nói về Tịnh Độ nhưng tâm ràng buộc chốn Ta bà. Cho nên, người niệm Phật thì nhiều như lông trâu, mà người vãng sinh lại ít như sừng lân. Không phải bảo rằng hoàn toàn không có, nhưng rất là hiếm. Do đó, Sơn tăng thường khuyên đệ tử tu Tịnh-nghiệp, phải có đủ ba loại tư lương: • Một là phát khởi lòng tin vững chắc. • Hai là tu hạnh chân thật. • Ba là phát nguyện rộng lớn. - "Sao gọi là lòng tin vững chắc?" Nghĩa là phải tin cõi Ta bà rõ ràng đau khổ, cõi Tây phương chắc chắn an vui. Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Âm, Thế Chí hiện đang ở thế giới Ta bà này thâu nhận chúng sinh niệm Phật vãng sinh Tịnh Độ, điều đó thật sự không giả dối. Lại phải tin rằng Phật A Di Đà là thân pháp giới ở khắp trong tâm tưởng của tất cả chúng sinh. Khi chúng sinh niệm Phật thì: "Tâm này tức là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật". Như trong Kinh Hoa Nghiêm, Trưởng giả Giải Thoát nói: "Nếu ta muốn thấy Phật A Di Đà ở thế giới An lạc, tùy ý liền thấy ngay". Tin được như thế mới là lòng tin vững chắc. - "Sao gọi là tu hạnh chân thật?" Nghĩa là người tu Tịnh nghiệp trước phải nhìn thấu được bản chất của thế gian, buông bỏ muôn duyên, suốt hai mươi bốn giờ, trong bốn oai nghi đem một câu A Di Đà Phật hết lòng trì niệm. Điều quan trọng là niệm làm sao cho mỗi chữ, mỗi chữ rõ ràng; từng câu, từng câu liên tục. Niệm đến khi không còn phải nhớ niệm mà tự nơi tâm mình niệm, đó là niệm mà không niệm. Dù gặp đủ mọi cảnh duyên khác biệt, nhưng câu niệm Phật này vẫn rõ ràng hiện tiền. Trong sinh hoạt hằng ngày, niệm Phật như thế mới là hạnh chân thật. - "Sao gọi là phát nguyện rộng lớn?" Trên hội Hoa Nghiêm, Bồ tát Phổ Hiền sau khi phát mười nguyện lớn rồi, lại còn phát nguyện rằng: "Nguyện con đến lúc sắp lâm chung Diệt trừ tất cả các chướng ngại Tận mặt gặp Phật A Di Đà Liền được vãng sinh cõi Cực lạc. Con đã vãng sinh cõi kia rồi Hiện tiền thành tựu nguyện lớn này Tất cả tròn đầy không thiếu sót Lợi lạc hết thảy các chúng sinh. Chúng hội Phật ấy đều thanh tịnh Con từ hoa sen nở sinh ra Tận mắt thấy Phật Vô Lượng Quang Hiện tiền thọ ký quả Bồ đề. Con được Như Lai thọ ký rồi Hóa thân vô số muôn ngàn ức Trí lực rộng lớn khắp mười phương Lợi ích tất cả các chúng sinh". Phát nguyện như thế mới gọi là rộng lớn. Bởi vì nếu nguyện không rộng lớn tức là nguyện nhỏ hẹp; hạnh không chân thật tức là hạnh giả dối; lòng tin không vững chắc tức là lòng tin nông cạn. Người như thế muốn được vãng sinh, thật rất khó khăn. - Nếu lòng tin đã vững chắc, hạnh lại chân thật; phát nguyện được rộng lớn, giống như thuận buồm xuôi gió tiến thẳng đến bờ kia, có gì gian nan hiểm trở? (Thiền sư Đạo-Bái) Nguyện đem cônɡ đức này Trɑnɡ nɡhiêm cõi Phật cực lạc Trên đền bốn ơn nặng Dưới cứu khổ ba đường Nếu có ai thấy nghe Đều phát tâm bồ đề Hết một báo thân này Đồng sanh về nước cực lạc

Giới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1

Pháp Ngữ Mới Nhất
Thống Kê Truy Cập
Đang truy cập: 18
Hôm nay: 54
Tháng hiện tại: 3687
Tổng lượt truy cập: 215487
Các bậc tiền bối của Tịnh Độ
Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư?
-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-